Khối ngành sức khỏe: Cần thắt chặt từ 'đầu vào'

Sự nở rộ của việc ngành đào tạo khối ngành sức khỏe ở các trường đại học ngoài công lập trong thời gian gần đây khiến xã hội lo ngại.

 

 Vì sao đua nhau mở ngành, tuyển sinh ồ ạt?

Cả nước hiện có khoảng trên 70 trường tham gia đào tạo khối ngành sức khỏe. Ngoài những trường chuyên ngành y truyền thống như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược TP.HCM, Đại học Dược..., còn có khoa y - dược của các trường đa ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ.

Đó là chưa kể, ở 63 địa phương đều có ít nhất 1 trường cao đẳng, trung cấp y- dược. Mỗi năm, các nhóm trường này "xuất siêu" ra thị trường lao động một số lượng nhân lực không nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo và kiểm định đầu ra của sinh viên vẫn chưa có quy định cụ thể và thống nhất trên cả nước. Việc mở ngành đào tạo khối ngành sức khỏe được siết rất chặt, tại sao thời gian gần đây, các trường lại ồ ạt mở ngành? Do nhu cầu nhân lực của ngành này quá lớn hay học phí đào tạo khối ngành sức khỏe đang là miếng bánh ngon cho các cơ sở giáo dục đại học? Phải chăng điều kiện mở ngành đã dễ dàng hơn? Điều đó dẫn đến việc nhiều trường đại học ngoài công lập chuyển từ tập trung đào tạo ngành kinh tế sang các ngành sức khỏe.

         Năm 2021, ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) dự kiến mở 8 ngành khối chăm sóc sức khỏe, gồm: Hộ sinh, Dinh Dưỡng, Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khỏe răng miệng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu, Quản lý bệnh viện. Tổng cộng năm nay trường Hồng Bàng sẽ đào tạo 13 ngành khối sức khỏe, với tổng chỉ tiêu khoảng 1.300 (số chỉ tiêu tương đương với trường chuyên ngành đào tạo y -ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM). Năm 2021, ĐH Văn Lang (TP.HCM) dự kiến mở các ngành mới Y đa khoa, Y học cổ truyền bên cạnh những ngành hiện có như Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cũng có kế hoạch mở hai ngành: Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng bên cạnh ngành Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Cái tên mới nhất tham gia "cuộc đua" này là ĐH Hoa Sen. Năm 2021, trường dự kiến mở 4 ngành mới liên quan khối khoa học sức khỏe: Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật y sinh.

Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, việc các trường ngoài công lập mở đào tạo tràn lan các ngành khối sức khỏe là vấn đề mà những người trong ngành y đã lo lắng từ lâu. Đặc biệt, gần đây nhiều trường có thế mạnh về khoa học xã hội, kinh tế cũng tham gia đào tạo ngành y khiến họ càng lo ngại hơn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chất lượng đào tạo và “đầu ra” không được kiểm soát chặt, thì hậu quả sẽ khó lường vì nó liên quan đến tính mạng, đến sức khỏe con người. PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh thẳng thắn nêu quan điểm: "Việc nhiều trường mở ngành học về sức khỏe chủ yếu là về vấn đề kinh tế. Nhiều người đang nghĩ rằng, sinh viên ngành y - dược ra trường là dễ kiếm việc, thu nhập cao. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo ngành này thường cao cho nên các trường đi hướng này chủ yếu là phát triển kinh tế". Đáng lo ngại khi lãnh đạo nhà trường không am hiểu về ngành y. Đào tạo ngành y phải là trường đào tạo chuyên ngành mới đảm bảo.


Cần thắt chặt việc mở ngành 

Một giảng viên trong khối ngành y – dược chia sẻ: “Tôi là giảng viên đã từng đi dạy ở 2 trường y khoa. Quá trình giảng dạy tôi thấy trường tư với điểm “đầu vào” thấp hơn nên các em học tiếp thu vấn đề chậm hơn nhiều. Hơn nữa, đào tạo ngành y không phải ai cũng đào tạo được, mà cần phải có nguồn nhân lực chất lượng”.

Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng thẳng thắn cho rằng: "Khi các trường mở ngành ồ ạt, tôi rất lo về chất lượng giảng viên và cơ sở thực hành ở các bệnh viện. Thực hành ngành y không chỉ ở trường mà còn phải thực hành trong bệnh viện. Hiện nay, chính trường tôi, để sắp xếp cho sinh viên được thực hành ở các bệnh viện lớn cũng khó .Hơn nữa, nhu cầu nhân lực nhóm ngành không còn quá lớn như trước”. PGS Xuân cho biết thêm, TP.HCM đã đạt được tiêu chí 20 bác sĩ, 35 điều dưỡng/10.000 dân. Như vậy, nếu các trường cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay, 6 năm sau, chúng ta sẽ bắt đầu lo lắng về “đầu ra”, các em sẽ làm việc ở đâu?.

Còn một bác sĩ tại một bệnh viện lớn của Hà Nội cũng bày tỏ, đào tạo ngành y khác với các ngành nghề khác. Không thể chỉ cần một giảng đường cho 500- 600 sinh viên ngồi học là xong, mà còn cần các trang thiết bị hỗ trợ, cần bệnh viện để thực hành lâm sàng trong quá trình học. Ở các nước, điều kiện tiên quyết để mở trường/khoa y là phải có đủ giảng viên cơ hữu đạt chuẩn và bệnh viện thực hành. Bởi thời gian học ở bệnh viện chiếm khoảng 60% tổng thời lượng đào tạo. Thế nhưng, thực tế chỉ vài trường đại học lớn có bệnh viện riêng, còn lại hầu hết là ký liên kết, gửi sinh viên sang bệnh viện thực hành lâm sàng. Do đó, điểm yếu nhất trong đào tạo y khoa hiện nay là khâu thực hành kỹ năng do bệnh viện thiếu bác sĩ hướng dẫn, trường không có sẵn đội ngũ giảng viên đang làm việc tại bệnh viện...

Mới đây, Thủ tướng ra quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, có chức năng giúp Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Dự kiến, thời gian tới, tất cả những người được đào tạo khối ngành sức khỏe từ các cơ sở giáo dục đại học, muốn được hành nghề khám chữa bệnh sẽ phải qua các kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh, từ đó nâng cao chất lượng nhân lực y tế, gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong khối sức khỏe./.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị: “Tính mạng không phải trò chơi may rủi. Do vậy, phải thắt chặt việc mở ngành, tuyển sinh ồ ạt ngay từ bây giờ. Nếu buông lỏng thì dự kiến tháng 8/2021 hàng nghìn tân sinh viên ngành sức khỏe nhập học vào các trường tư thục, thì chất lượng đào tạo sẽ ra sao?...” 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận